Tuyển dụng
Theo thực tế đã chứng minh, ngày nay rất nhiều người lựa chọn hình thức sang nhượng cửa hàng thay vì sẽ xây cửa hàng như thông thường để có thể sử dụng luôn cơ sở vật chất và đảm bảo được lượng khách hàng nhất định. Không thể phủ nhận những thuận lợi của hình thức sang nhượng mặt bằng, song nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu bạn không tìm hiểu kỹ sẽ rất dễ mắc phải. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những lưu ý cần thiết khi chuyển nhượng cửa hàng để góp phần giúp cho kế hoạch kinh doanh của bạn được thành công, “đầu xuôi đuôi lọt”.
1. Kiểm tra giấy tờ và hồ sơ sang nhượng cửa hàng
Đây là thủ tục quan trọng đầu tiên bắt buộc bạn phải tìm hiểu thật kỹ, đảm bảo việc sang nhượng cửa hàng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Bạn nên quan tâm đến những vấn đề như:
- Chứng thực sự tồn tại của cửa hàng sang nhượng.
- Yêu cầu được xem hợp đồng thuê nhà giữa chủ nhà và người sang nhượng.
- Thời hạn thuê nhà còn bao lâu và giá cho thuê đúng với giá mà bạn nghe được từ chủ cũ hay không.
- Hình thức đăng ký kinh doanh là gì? : Kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân hay công ty,…
Bước này không những giúp bạn nắm được rõ thông tin về cửa hàng chuyển nhượng mà việc xem xét giấy tờ kỹ lưỡng còn giúp bạn tránh được những lừa đảo không đáng có.
2. Xác định chủ thể chuyển nhượng cửa hàng cho bạn
Ở bước này, bạn cần làm rõ thông tin của người chuyển nhượng cho bạn. Họ là chủ sở hữu mặt bằng đó hay chỉ là người thuê mặt bằng. Nếu là chủ sở hữu thì sẽ rất đơn giản, còn nếu chỉ là người thuê mặt bằng thì bạn cần phải suy xét kỹ hơn. Bạn cần phải yêu cầu người thuê cũ cung cấp cho bạn đầy đủ giấy tờ trong hợp đồng thuê nhà của họ và chủ nhà trước đây. Cùng với đó là phải có sự xác nhận của chủ nhà cho phép bạn là người thuê lại cửa hàng này, và từ nay có bất kỳ việc gì sẽ là bạn và người chủ nhà trực tiếp trao đổi với nhau chứ không phải qua một chủ thể nào khác. Điều này phải được làm rõ ngay từ đầu để tránh xảy ra những tranh chấp về sau.
3. Kiểm tra cơ sở vật chất và tài sản của mặt bằng sang nhượng
Thường thường, khi chuyển nhượng cửa hàng kinh doanh thì bên bán sẽ sang luôn các trang thiết bị, tài sản hiện có tại cửa hàng. Bạn và bên chuyển nhượng cần thoả thuận chi tiết, rõ ràng, cụ thể như: tên đồ vật, hãng, số lượng, tình trạng, phân rõ đâu là tài sản có sẵn được cấp từ chủ nhà của cửa hàng, đâu là tài sản bạn mua lại của người chuyển nhượng,…để có thể dễ so sánh và đối chiếu. Đồng thời kiểm tra hệ thống điện, nước, chốt số điện và số nước, Internet theo thời điểm ký hợp đồng.
4. Đọc kỹ hợp đồng sang nhượng cửa hàng
Sau khi đã trải qua các bước trên, bạn có thể yên tâm đến bước ký hợp đồng chuyển nhượng. Để đảm bảo được thực hiện tốt nhất, trước khi viết hợp đồng hai bên cần thoả thuận rõ về mức giá sang nhượng cũng như những vật dụng để lại. Trong bản hợp đồng sẽ bao gồm những yếu tố chính như sau: Đối tượng chuyển nhượng, các loại tài sản hữu hình và vô hình hiện có, nêu rõ những điều khoản, quy định, quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên. Lưu ý rằng bản hợp đồng được viết càng chi tiết, cẩn thận, rõ ràng thì càng tốt. Nếu bạn muốn yên tâm hơn thì khi ký hợp đồng hãy mời thêm người chủ nhà là người làm chứng và cùng ký vào bản hợp đồng. Như vậy, sẽ tránh được nhiều nhất những hệ luỵ không đáng có sau này.
5. Một số lưu ý khác khi sang nhượng cửa hàng
Hầu hết các lý do cần sang nhượng cửa hàng hiện nay chủ yếu vì kinh doanh không tốt hoặc cần chuyển nghề kinh doanh, chuyển chỗ ở và một số vấn đề các nhân khác. Vậy nên bạn cần phải tìm hiểu thêm về lý do tại sao người ta lại có nhu cầu chuyển nhượng? Lý do người ta nói có chính xác hay không? Thật ra để đánh giá hiệu quả của một địa điểm kinh doanh dưới con mắt những nhà kinh doanh không phải là một vấn đề quá khó khăn. Bạn hoàn toàn có thể quan sát hoạt động mua bán hằng ngày, vào một số thời điểm khác nhau để đánh giá. Nếu được hãy tìm hiểu thêm thông qua các nhà hàng xóm, cửa hàng xung quanh kèm với đó là nhận định mặt hàng kinh doanh của mình có phù hợp với địa điểm này hay không, đánh giá về mật độ dân cư, mức sống, mức độ cung cầu của thị trường đối với sản phẩm của mình.
Tóm lại, trước khi quyết định đầu tư và chấp nhận được sang nhượng mặt bằng, bạn sẽ có khá nhiều thứ phải tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên điều đó sẽ không có gì quá khó khăn nếu bạn đã tìm hiểu kỹ và thực hiện cẩn thận, chu đáo từng bước một. Trên đây chỉ là một số những điều đáng lưu ý cơ bản nhất mà bạn nên thực hiện. Ngoài ra còn tuỳ vào những trường hợp cụ thể mà có thể phát sinh những rủi ro khác. Nếu bạn vẫn thấy chưa yên tâm thì có thể đến văn phòng luật sư để được tư vấn chính xác nhất. Chúc các bạn khởi nghiệp thành công!